Tình nguyện ở bản Pù Luông

Chiếc xe bus vang lên bài hát quen thuộc của đoàn thanh niên…Đường xa ghập ghềnh, xe lắc lư nhưng không làm ba mươi chiếc áo xanh nản chí. Nhường ghế ngồi cho những vị khách, áo xanh chen chúc nhau cầm lấy tay vịn suốt chặng đường dài. Bao nhiêu mệt mỏi dường như đã tan biến theo tiếng hát vang… Chúng tôi vui nói nhau rằng : Đây là chuyến xe tình nguyện !
Mười mấy tiếng trước, cũng những gương mặt đó nhưng lộ đầy vẻ âu lo với tâm trạng bồi hồi không yên. Giờ đây sự lo lắng đã nhường bước cho niềm vui háo hức  muốn chinh phục thử thách phía trước. Là sinh viên nên luôn bộn bề trong hàng đống sách vở và thi cử nhưng chúng tôi vẫn muốn được khoác lên người màu áo xanh tình nguyện, góp sức mình đến vùng quê khó khăn mà phục vụ. Hành trang là ba lô trên vai, mũ tai bèo giản dị, cùng với sự khát khao và sức sống tuổi trẻ, ba mươi chiếc áo xanh hy vọng sẽ được trải nghiệm những điều mới mẻ hơn trong cuộc sống !
Đoàn xe đưa cả đội đến thị trấn Cái Đôi Vàm, tỉnh Cà Mau. Chưa khỏi ngỡ ngàng về vùng đất mới chúng tôi lại bắt gặp những ánh mắt thân tình của người dân địa phương. Như tiếp thêm động lực, chúng tôi nhanh chóng hòa vào cuộc sống miền quê một cách phấn khởi nhất.
Trên con đường làng, hàng ngày những tấm áo xanh đi và về cùng dân. Bữa cơm quê chỉ giản đơn cá mặn và rau xanh nhưng vẫn cứ ngon lành. Sợ tụi tôi ngán, có chú còn đi bắt ba khía về rang muối thơm lừng, đứa nào đứa nấy tấm tắc khen ngon làm ai cũng mát lòng. Đáp lại tấm thân tình, chúng tôi cũng cố gắng hết sức triển khai nhanh mọi hoạt động để giúp đỡ bà con. Bắt đầu từ những công việc nhẹ như phát quang bụi cỏ, đến những công việc nặng như đắp đê, sửa đường, đào mương rãnh thoát nước mùa mưa. Dưới cái nắng chói chang, áo xanh lội sình lấp đường không cho sạt lỡ, tay chân đen nhẻm, nhưng miệng vẫn cười rất tươi. Có lúc mệt quá là tự động bắt nhịp, ba chục đứa cất tiếng ca  làm vang cả một vùng. Những bài hát thanh niên nối tiếp nhau không ngừng tạo nên một bức tranh lao động thật sáng bừng… Rồi những tràng cười giòn giã xua tan cái nóng bức trưa hè, những giọt mồ hôi rơi ngấm đất làm chúng tôi thấm thía hơn nỗi cực của người nông dân làm ra từng hạt gạo để nuôi đời. Truyền tay nhau từng cây cuốc cây xẻng, phối hợp với thanh niên xã, chúng tôi cũng làm được một con đường cho người lao động xóm nghèo ra vào không còn lầy lội. Ngày nhận được tấm bảng “ Công trình đoàn viên thanh niên – trường Cao đẳng Y tế Cà Mau thực hiện “ , có đứa còn bật khóc vì xúc động. Có lẽ, công việc mà chúng tôi làm không lớn lao nhưng nó cũng góp một chút tinh thần cho người dân vùng sâu thêm vững bước.
Có hôm thực hiện công tác “tuyến đường không rác”, đang lui cui nhặt vỏ kẹo bánh vứt ngoài đường, tôi nghe giọng thỏ thẻ “ Cô ơi mấy cái đó bỏ rồi, lượm làm chi dơ vậy cô ?! “. Nhìn thằng bé nhỏ xíu, tôi cười “ Con nhìn coi, đường đẹp mà rác nhiều thì xấu lắm, sạch sẽ rồi thì người ta sẽ không bị bệnh nữa “. Mặt nó hơi nhăn, nhưng rồi sáng lại và cười  hiểu ý,  nó liền chạy đi. Lát sau chúng tôi bất ngờ với ‘’ đội quân lượm rác “ hùng hậu mà thằng nhỏ khi nãy huy động. Mười mấy cái đầu khét nắng và những hàm răng sún đều tíu tít “ Để tụi con lượm phụ “, và nhắc bảo nhau không còn vứt rác bừa bãi nữa !
Chuyến đi đã vào những ngày cuối cùng, đoàn thanh niên tình nguyện và thanh niên thị trấn xích lại gần nhau hơn. Vui vẻ và đầm ấm! Sau một ngày làm việc, tối đến có những buổi giao lưu văn nghệ đậm chất quần chúng. Không đàn không nhạc, chỉ những tràng vỗ tay nhưng bài hát nào cũng tha thiết tâm tình. Anh bí thư xã dặn dò “ Là những người tiếp nối ngành Y, anh mong các em lúc nào cũng như vậy, hiền hòa và dễ thương, biết đặt nỗi đau của người bệnh vào nỗi đau của mình mà thấu hiểu! Khắc sâu câu nói ấy vào lòng như một lời nhắc nhở để không phụ lòng mà mọi người dành cho chúng tôi và tự hứa mình sẽ làm được như vậy. Đời sống quê tôi còn nghèo lắm, có đi xa, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân mới hiểu được nỗi gian truân mà người dân xóm nghèo còn phải chịu. Tôi còn nhớ một hộ chính sách mà mình đã được thăm trong xã, nhà bà là cái chòi nhỏ mướn lại để ở, có con cái nhưng ai nấy đều nghèo, không phiền đến con nên ở một mình thui thủi tuổi già. Bà sống bằng lương trợ cấp, nhưng làm sao đủ xoay xở trong thời kì vật giá leo thang này. Cũng bù lại, hàng xóm cũng hay cho gạo thóc, có gì ăn cũng đem sang bà nên tuy ba bữa cơm không nhiều nhưng cũng đủ no. Có những lúc như vậy, mới hiểu được câu “ Lá lành đùm lá rách “ là ý nghĩa biết bao ! Món quà mà chúng tôi tặng bà chẳng thấm gì với thiếu thốn hằng ngày, nhưng bà rưng rưng nước mắt “ Cám ơn các cô, các chú ở trên đã để ý đến tui, hôm nay tự dưng nhà cửa đông người thấy ấm hẳn lên mà vui quá chừng ! “ Tôi bật khóc khi nghe bà nói, vậy rồi khi đoàn khách này đi, bà sẽ lại đơn chiếc đi về ! Còn nhiều lắm những mảnh đời như thế trong xã hội này, chúng tôi thấy mình còn rất may mắn khi được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè và thầy cô.
Thời gian tình nguyện chỉ một tuần, không quá dài nhưng cũng đủ làm tôi có thêm được những bài học quý báu. Cuộc sống tập thể cũng gặp khó khăn, nhiều lúc không hiểu ý nhau, giận hờn đủ thứ, nhưng được sự quan tâm từ phía nhà trường và các anh chị đoàn xã, chúng tôi cũng xóa bỏ được hiềm khích và thương yêu nhau hơn. Bữa cơm ngồi đợi chẳng thiếu một người nào, cả bọn mới yên tâm ăn. Các bạn gái tuy sức yếu nhưng công việc hậu cần luôn chu đáo, nước đá mát lạnh luôn có để phục vụ, hay đơn giản chỉ đứng ngân nga vài câu hát hay những câu chuyện vui, cũng như đã tiếp thêm sức mạnh cho các bạn nam làm việc. Các thầy cô không thể ở cùng tụi tôi vì còn việc làm ở trường, nhưng luôn liên lạc hỏi han xem tụi tôi có thiếu thốn gì không, ăn đầy đủ không và dặn dò các bạn bảo ban nhau mà sinh hoạt cho tốt. Có khi thầy xuống thăm, đem quà của cô chủ nhiệm là mấy cây bánh quy thơm ngon, cả bọn giành ăn như trẻ con mà không quên khoe với mấy anh chị ở xã “ Của cô tụi em đó gửi đó nghen ! “ rồi lại cười rộn rã.
Kết thúc chuyến tình nguyện, đoàn thanh niên ở xã đã có mặt từ sớm để tiễn chúng tôi về lại thành phố. Cảm giác trống vắng và tiếc nuối hiện trên gương mặt của bà con, gánh bánh mì của bà Út, xe nước ngọt của chị Trang, nồi cháo lòng của vợ chồng chú Tư , tất cả dường như đã trở thành thân thuộc với chúng tôi mỗi sáng. Mọi người ai cũng cười tươi để tạm biệt nhưng nhiều đôi mắt đã  “đỏ hoe” lên từ lúc nào !
Cũng chiếc xe bus chở ba mươi chiếc áo xanh, ghập ghềnh và lắc lư hòa thêm tiếng hát suốt dọc đường dài, hôm nay xe còn chở thêm những nỗi niềm quê , chở cả những ước mơ và hoài bão tuổi trẻ về những dự định mới cho tương lai ! Miền quê yêu thương ơi, chờ nhé, chúng tôi sẽ lại về !
“Bao yêu thương ôi mùa hè xanh vấn vương. Đi muôn phương lưu luyến tình quê hương
Trong tim ta ôi mùa hè xanh thiết tha. Vang câu ca trên những chặng đường xa”